Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng ngày lễ nhiều nhất trên thế giới với số lượng ngày lễ lên đến 15 ngày trong 1 năm. Ngày lễ của Nhật bản khá đặc thù, có những ngày lễ có ngày cố định như ngày lễ “Xuân phân” diễn ra vào 20/3 hàng năm, cho đến những ngày lễ dựa vào số tuần trong tháng như “Ngày của Biển”, sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng 7. Những ngày lễ này sẽ có những ý nghĩa riêng và được tôn vinh theo cách riêng của nó, có những ngày sẽ tổ chức lễ hội linh đình cùng một số nghi thức cầu kỳ, có những ngày chỉ yên ả nhẹ nhàng với thời gian ấm cúng dành cho người thân và gia đình của mình. Chủ đề ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng”, một trong ba kỳ nghỉ dài nhất của Nhật Bản xem nó có ý nghĩa gì và nó có gì đặc biệt nhé!

-
Tuần lễ vàng là gì?
-
Các ngày lễ trong tuần lễ vàng:
Tuần lễ vàng ở Nhật (ゴールデンウィーク, tiếng anh là Golden Week) - là kì nghỉ lễ lớn với nhiều ngày liên tiếp trong tháng năm dành cho người lao động ở Nhật. Thông thường tuần lễ vàng sẽ bắt đầu từ ngày 3/5 đến ngày 5/5 nhưng cũng có một số cơ quan cho nghỉ phép từ 29/4 đến 5/5. Các ngày lễ trong dịp nghỉ lễ lớn này theo thứ tự như sau:
- 29/4 Ngày Showa (昭和の日): Ngày này bắt nguồn từ ngày kỷ niệm sinh nhật của Thiên Hoàng Chiêu Hòa (Hirohito), vị Thiên hoàng tại vị từ năm 1926 tới 1989. Sau khi Thiên hoàng Chiêu Hòa qua đời vào ngày 7 tháng 1 năm 1989, tên của kỳ nghỉ đã được thay đổi từ "Sinh nhật của Thiên hoàng" sang "Ngày Xanh". Sau một loạt các nỗ lực lập pháp thất bại bắt đầu từ năm 2000, ngày lễ 29/4 cuối cùng đã được đổi tên thành Ngày Chiêu Hoà vào tháng 5 năm 2007, và Ngày Xanh được chuyển từ ngày 29/4 sang ngày 4/5.
- 3/5 Ngày kỷ niệm Hiến pháp (憲法記念日): Bắt đầu từ năm 1947, ngày mùng 3/5 chính thức được chọn làm kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật Bản được thiết lập và đánh dấu sự ra đời của một thể chế mới chính thức có hiệu lực sau chiến tranh thế giới thứ 2.
- 4/5 Ngày Xanh (みどりの日): Từ năm 2007, “Ngày Xanh” được chuyển từ ngày 29/4 sang ngày 4/5, đây là là ngày để hòa hợp với thiên nhiên và để biết ơn các phước lành.Trước năm 2007 thì ngày 4/5 vẫn là một ngày không có tên và được gọi là “Ngày lễ Quốc dân”, một thuật ngữ chung cho bất kỳ ngày lễ chính thức nào, nhưng vẫn được tính là một ngày lễ chính thức, vì có một luật chuyển đổi bất cứ ngày nào nằm giữa hai ngày lễ liên tiếp thành một ngày nghỉ lễ mới.
- 5/5 Ngày Thiếu nhi (こどもの日): Ngày tết thiếu nhi tại Nhật Bản là được xem là ngày cầu chúc cho tất cả trẻ em luôn được khỏe mạnh và hạnh phúc, đó là một ngày dành riêng để tôn trọng nhân cách của trẻ em và để chào mừng hạnh phúc của chúng. Ngày 5/5 là ngày lễ dành riêng cho những bé trai (ngày của các bé gái là ngày 3/3) người Nhật thường treo cờ cá chép vào ngày này. Trước đây, ngày này được gọi là Tết Đoan Ngọ (端午の節句) và diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch. Từ khi Nhật bản chuyển sang sử dụng lịch Dương lịch thì ngày này cũng được đổi sang ngày 5/5 Dương lịch.
- Nguồn gốc thực sự của cái tên:
Dù được tập hợp từ những này lễ khác nhau, nhưng tại sao kỳ nghỉ dài ngày này được gọi là “Tuần lễ Vàng” thì lại là một điều cực kỳ thú vị, sau khi tìm hiểu sâu thêm chúng ta sẽ thấy nguồn gốc của nó không có quan hệ mật thiết với các ngày lễ kể trên, mà lại có liên quan đến lĩnh vực điện ảnh. Vào năm 1951, bộ phim Jiyū Gakkō đã đạt được doanh số bán vé cao hơn trong suốt tuần nghỉ lễ này so với bất kỳ thời gian nào khác trong năm (bao gồm dịp mừng năm mới và Obon). Điều này khiến giám đốc điều hành của hãng Daiei Film Co., Ltd. đặt ra tên gọi cho tuần lễ này là “Tuần lễ Vàng” (Golden Week), dựa trên từ tiếng lóng trên sóng phát thanh Nhật Bản “giờ vàng” biểu thị khoảng thời gian có xếp hạng người nghe cao nhất. Thời điểm đó trùng với ngày 29 tháng 4 là một ngày lễ quốc gia chào mừng sự ra đời của Thiên hoàng Chiêu Hoà cũng là ngày quốc lễ đầu tiên trong tuần lễ vàng.
- Những điều đặc biệt của “Tuần lễ vàng”:
Sau khi đã biết về nguồn gốc về tên và thông tin các ngày lễ trong “Tuần lễ vàng” chúng ta hãy khám phá xem kỳ nghỉ này có gì đặc biệt nhé!
- Hoa đua nhau khoe sắc:
- Tuần lễ vàng là một tuần lễ đẹp để ngắm hoa, có rất nhiều loài hoa nở rộ vào dịp này như hoa tử đằng, hoa chi anh, hoa đỗ quyên,… phủ màu sắc rực rỡ khắp nước Nhật nên các gia đình có thể đến công viên tổ chức những buổi dã ngoại ngoài trời, vừa tiệc tùng vừa ngắm hoa.
- Shiohigari:
- Thời gian Tuần lễ vàng này cũng là mùa của “Shiori Gari”. Đây là thời điểm thuỷ triều rút nên bạn sẽ thấy sò ở khắp các bãi biển, lúc này những cặp tình nhân hoặc các gia đình có trẻ em sẽ cùng nhau đi nhặt sò ở những nơi có bãi biển.
- Cờ cá chép:
- Vào thời điểm này, mọi nơi trên nước Nhật đều có thể thấy “cờ hình cá chép”. Đây là cờ trang trí hình cá chép cho ngày Trẻ em 5/5 với mong muốn các bé trai sẽ có sức khỏe và thành công trong tương lai. Cờ cá chép sẽ được treo trước sân ở mỗi gia đình, chú cá lớn nhất tượng trưng cho người lớn nhất trong gia đình, lần lượt cho đến chú cá nhỏ nhất dành cho người nhỏ tuổi nhất, để cầu sức khỏe cho cả gia đình.
-
Ưu đãi tràn ngập – Mua sắm thoải mái:
- Tuần lễ vàng là thời điểm du lịch diễn ra mạnh mẽ, hoạt động mua sắm tuần lễ vàng là không thể thiếu, vì vậy lợi dụng điểm này mà hoạt động kinh doanh buôn bán cũng tranh thủ canh tranh để thu hút khách hàng thông qua rất nhiều các chương trình khuyến mãi. Vì thế ở tuần lễ Vàng, bạn có thể mua sắm ở Nhật thoải mái hơn rất nhiều so với ngày thường nhờ các mức giá khuyến mãi đến từ các nhãn hàng hoặc siêu thị và trung tâm thương mại.
Bài viết vừa rồi đã gửi đến các bạn những thông tin thú vị và cụ thể nhất về kỳ nghỉ lớn nhất của Nhật Bản – tuần lễ Vàng. Chúc cho các bạn có một kế hoạch hoàn hảo cho việc học tập, làm việc và vui chơi, khám phá văn hoá của Nhật Bản.
Hãy cùng Buybid khám phá văn hóa của Nhật Bản trong các bài viết sắp tới nhé!
